Điều lệ tổ chức và hoạt động của Phân hội xơ vữa động mạch Việt Nam

HỘI TIM MẠCH HỌC VIỆT NAM
PHÂN HỘI XƠ VỮA ĐỘNG MẠCH VIỆT NAM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

PHÂN HỘI XƠ VỮA ĐỘNG MẠCH VIỆT NAM

CHƯƠNG I

TÊN GỌI – TÔN CHỈ – MỤC ĐÍCH

Điều 1. Tên gọi

Phân hội lấy tên là Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam.

Tên gọi bằng tiếng Việt là: Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam.

Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là: Vietnam Atherosclerosis Society, viết tắt là “VAS”.

Điều 2. Tôn chỉ

Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam (gọi tắt là Phân hội) là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người làm công tác khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực Y Khoa có liên quan đến tình trạng xơ vữa động mạch như tim mạch, nội tiết, thần kinh, mạch máu, nội tổng quát, Y học gia đình, … (không phân biệt hành nghề công hay tư, đương chức hay đã nghỉ hưu…) trên toàn quốc. 

Điều 3. Tư cách pháp nhân

Phân hội là thành viên chính thức của Hội Tim Mạch học Việt Nam, thuộc Tổng hội Y Học Việt Nam, hoạt động theo Điều lệ của Phân hội, của Hội Tim mạch Việt Nam và pháp luật của Nước CHXHCN Việt Nam.

Trụ sở của Phân hội là nơi lưu trữ và quản lý hồ sơ của phân hội. Chủ tịch Phân hội quyết định địa điểm của trụ sở dựa trên đề nghị của Ban Chấp hành đương nhiệm.

Điều 4. Mục đích của Phân hội

Tập hợp, đoàn kết, động viên những người làm công tác khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực  liên quan đến xơ vữa động mạch phấn đấu học tập và công tác, tham gia xây dựng và phát triển khoa học kỹ thuật chuyên môn, giúp đỡ lẫn nhau không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, hành nghề đúng theo chuẩn mực về nghĩa vụ và đạo đức, xây dựng một nền y học tiến bộ, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

CHƯƠNG II

CHỨC NĂNG – NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 5. Chức năng

1. Là một tổ chức khoa học, Phân hội tập hợp và động viên Hội viên tham gia đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và kỹ thuật; tư vấn, phản biện trong mọi lĩnh vực liên quan tới phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh.

2. Là một tổ chức nghề nghiệp, Phân hội vận động Hội viên hành nghề đúng qui định của pháp luật; cùng với ngành y tế giáo dục đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho những Hội viên hành nghề, giữ gìn và bảo vệ uy tín của người thầy thuốc, của ngành. Phân hội còn là tổ chức bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của Hội viên trước pháp luật và công luận.

Điều 6. Nhiệm vụ

1. Hoạt động theo đúng Điều lệ đã được phê duyệt.

2. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Phân hội.

3. Tập hợp và đoàn kết tập thể trí thức khoa học kỹ thuật trong ngành y; xây dựng và phát triển tổ chức Phân hội.

4. Tư vấn, phản biện các vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của Phân hội theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân.

5. Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Phân hội theo quy định của pháp luật. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển Phân hội và lĩnh vực Phân hội hoạt động.

6. Báo cáo với các cơ quan chức năng về tình hình tổ chức và hoạt động Phân hội theo đúng quy định của pháp luật.

7. Chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc tuân thủ pháp luật.

8. Tôn trọng và tuân thủ điều lệ của Hội Tim Mạch học Việt Nam và Tổng Hội Y học Việt Nam.

9. Chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài chính và tài sản của Phân hội.

10. Lập hồ sơ và lưu giữ tại trụ sở Phân hội các tài liệu liên quan đến tổ chức và hoạt động của Phân hội: Điều lệ Phân hội, danh sách Hội viên, các chứng từ về tài chính của Phân hội, biên bản các cuộc họp Ban lãnh đạo Phân hội …

Điều 7. Quyền hạn

1. Thực hiện chức năng của một tổ chức khoa học, tập hợp và động viên Hội viên tham gia đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, tư vấn, phản biện trong mọi lĩnh vực liên quan tới phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh xơ vữa động mạch.

2. Thực hiện chức năng của một Phân Hội nghề nghiệp trong việc tập hợp, hỗ trợ việc hành nghề của Hội viên; bảo vệ quyền hành nghề chính đáng và danh dự của Hội viên; động viên, giúp đỡ và giáo dục Hội viên tuân thủ các quy định và quy chế hành nghề của Nhà nước, tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho Hội viên, giữ gìn và phát huy Y đức; góp phần bảo vệ và nâng cao uy tín của người thầy thuốc cũng như uy tín của ngành Y tế trong xã hội.

3. Được gây quỹ Phân hội trên cơ sở Phân hội phí của Hội viên và các nguồn thu từ các hoạt động hợp pháp để tự trang trải về kinh phí hoạt động.

4. Được nhận các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước theo quy định của pháp luật.

5. Được tài trợ và kêu gọi tài trợ cho các tổ chức, cá nhân; thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục kiến thức vì sức khỏe cộng đồng theo quy định của pháp luật.

6. Khen thưởng và đề xuất các cơ quan có thẩm quyền khen thưởng các tập thể và cá nhân Hội viên có nhiều thành tích.

 

CHƯƠNG III

HỘI VIÊN

Điều 8. Tiêu chuẩn Hội viên

Những người có đủ tiêu chuẩn sau đây, tự nguyện hoạt động trong tổ chức của Phân hội, có thể được Ban Chấp hành của Phân Hội xét công nhận là Hội viên:

1. Hội viên chính thức: các thầy thuốc (bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, lương y, lương dược và cán bộ quản lý y tế) đương chức hoặc đã nghỉ hưu trên toàn quốc, chấp nhận Điều lệ và tự nguyện đăng ký tham gia hoạt động của Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam đều được xem xét để công nhận là Hội viên chính thức - là những Hội viên có đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn trong Hội.

2. Hội viên Danh dự: là những thầy thuốc đã có nhiều cống hiến cho y học và cho sự phát triển của Phân Hội, được Ban Chấp hành Phân hội mời tham gia (hoặc vinh danh) với tư cách là Hội viên Danh dự.

3. Hội viên liên kết: Công dân, tổ chức Việt Nam tán thành Điều lệ Phân hội và tự nguyện gia nhập và đóng góp cho sự phát triển của Phân hội nhưng chưa đủ điều kiện hoặc chưa có nguyện vọng trở thành Hội viên chính thức thì có thể trở thành hội viên liên kết.

 

Điều 9. Thể thức tham gia Hội viên

a) Tổ chức, cá nhân muốn gia nhập Phân hội hoặc xét thấy không muốn tiếp tục là hội viên thì phải có đơn gửi Ban chấp hành xem xét, quyết định.

b) Ban Chấp hành Phân hội quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự kết nạp hội viên, xoá tên hội viên khỏi Phân hội phù hợp với Điều lệ Phân hội và quy định của pháp luật.

c) Tư cách hội viên sẽ bị chấm dứt trong các trường hợp sau:

  - Cá nhân bị mất quyền công dân Việt Nam;

  - Pháp nhân bị giải thể, bị phá sản;

  - Hội viên không thực hiện đúng điều lệ Phân hội, gây tổn hại về uy tín hoặc tài chính của Phân hội.

 

Điều 10. Nghĩa vụ và quyền hạn của Hội viên

   1- Hội viên có nghĩa vụ:

a) Tôn trọng Điều lệ của Phân hội và quy chế hoạt động của Phân hội; nghiêm chỉnh chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Phân hội.

b) Giữ vững và bảo vệ sự đoàn kết trong Phân hội, tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, trau dồi kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp, giữ vững uy tín của cá nhân và tập thể Y giới, đấu tranh chống những tư tưởng và hành động có hại đến nhiệm vụ, uy tín, danh dự của Phân hội và của ngành.

c) Tham gia mọi sinh hoạt trong hệ thống Phân hội, tích cực góp phần vào việc xây dựng và phát triển Phân hội.

d) Đóng góp Phân hội phí theo quy định.

 

2- Hội viên có quyền:

a) Thảo luận và biểu quyết phương hướng, kế hoạch hoạt động của Phân hội tại các kỳ Đại hội Phân hội toàn thể (định kỳ hoặc bất thường), đề cử, ứng cử và bầu cử Ban Chấp hành Phân hội theo quy định.

b) Được thông tin bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn; được tạo điều kiện và khuyến khích phát huy khả năng chuyên môn và năng lực về mọi mặt.

 c) Được tham gia trình bày các nghiên cứu khoa học của mình trong các buổi sinh hoạt khoa học kỹ thuật; được giới thiệu đăng các bài viết và các công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học trong hệ thống Y tế nói chung và các ấn phẩm chuyên đề tim mạch của Phân hội nói riêng; được công nhận và bảo vệ quyền tác giả, sáng chế; được các tổ chức của Phân hội nhận xét về các công trình, công tác của mình khi cần thiết, chọn lọc để đề nghị khen thưởng; được chứng nhận và giới thiệu về tư cách đạo đức và chuyên môn trong các hoạt động nghề nghiệp…

d) Được hưởng mọi quyền lợi khác do tổ chức Phân hội quy định.

e) Được quyền xin ra khỏi Phân hội.

 

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC VÀ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG

 Điều 11. Tổ chức và nguyên tắc hoạt động

- Phân hội được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, đoàn kết, dân chủ và khoa học.

- Phân hội có thể tổ chức các đơn vị trực tiếp hoạt động (hoặc liên kết) để đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành, thành lập Câu lạc bộ để sinh hoạt, bồi dưỡng về chuyên môn vì mục tiêu chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân.

- Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Phân hội là Ban Chấp hành được bầu cử công khai tại Đại Hội Đại biểu (hoặc Đại Hội toàn thể) của Phân hội – sau đây gọi tắt là Đại Hội nhiệm kỳ - họp thường lệ 2 năm một lần. Đại Hội họp bất thường khi có ít nhất 2/3 tổng số Ủy viên Ban Chấp hành Phân Hội hoặc quá 1/2 tổng số Hội viên chính thức đề nghị. Số Đại biểu dự Đại Hội do Ban Chấp hành Phân hội quy định.

Điều 12. Nhiệm vụ Đại Hội nhiệm kỳ của Phân hội

1. Thông qua báo cáo tổng kết hoạt động Phân hội và báo cáo của Ban Chấp hành đương nhiệm, quyết định đường lối và phương hướng hoạt động của Phân hội trong nhiệm kỳ mới.

2. Thảo luận và biểu quyết việc sửa đổi, bổ sung (nếu có) điều lệ của Hội.

3. Bầu ra Ban Chấp hành và Ban kiểm tra nhiệm kỳ mới của Phân hội theo thể thức và số lượng do Đại Phân hội quy định, từ danh sách đã được Ban Chấp hành đương nhiệm đề xuất sau khi tham khảo ý kiến của các đơn vị cơ sở.

4. Thông qua báo cáo tài chính của Phân hội.

5. Biểu quyết việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể Phân hội.

 

Điều 13. Ban Chấp hành

1. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Phân hội là 2 năm.

2. Ban Chấp hành Phân hội họp thường lệ 2 lần mỗi năm và có thể họp bất thường khi có yêu cầu của Ban Thường vụ hoặc ít nhất 1/3 tổng số ủy viên Ban Chấp hành.

3. Ban Chấp hành có nhiệm vụ tổ chức thực hiện nghị quyết của Đại Hội nhiệm kỳ của Phân hội, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Phân hội giữa 2 kỳ Đại Hội và quyết định các cơ cấu tổ chức của Ban Chấp hành Phân Hội.

4. Khi xét thấy cần thiết, Ban Chấp hành với sự nhất trí của ít nhất 2/3 tổng số ủy viên tham dự có thể quyết định bổ sung hay miễn nhiệm ủy viên Ban Chấp hành của Phân hội, giải thể hoặc xóa tên một tổ chức thành viên của Phân hội.

Điều 14. Ban thường vụ

Ban Chấp hành bầu ra Ban Thường vụ, bao gồm: Chủ tịch, ba hoặc bốn Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Phó tổng thư kí, Trưởng Ban kiểm tra và các Ủy viên Thường vụ. Thể thức bầu do Ban Chấp hành quyết định. Số ủy viên Thường vụ không quá 1/4 tổng số ủy viên Ban Chấp hành.

Các ủy viên Thường vụ phụ trách các Ban chuyên trách:

1.     Ban Thư ký và Tài chính

2.     Ban Khoa học – Đào tạo

3.     Ban Truyền thông và Đối ngoại

4.     Ban Kiểm tra

Ban Chấp hành Phân hội quy định việc họp thường kỳ của các Ban. Các Ủy viên Thường vụ họp thường kỳ 6 tháng 1 lần. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch có quyền triệu tập Hội nghị bất thường.

Điều 15. Nguyên tắc bầu cử

Ban Chấp hành biểu quyết theo nguyên tắc đa số hay quá bán trên tổng số ủy viên của Ban Chấp hành. Nghị quyết của Ban Chấp hành chỉ có giá trị khi được thông qua trong các phiên họp với sự tham dự của tối thiểu trên 1/2 tổng số ủy viên.

Trong những trường hợp đặc biệt, không thể tổ chức họp đa số ủy viên, thì có thể tổ chức lấy ý kiến bằng thư, nhưng phải có đủ chữ ký của trên 1/2 tổng số ủy viên Ban Chấp hành.

Điều 16. Nhiệm kỳ và phân công của Phân hội

1. Chủ tịch có nhiệm vụ chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Phân hội suốt nhiệm kỳ, triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban Chấp hành và các ủy viên Thường vụ, đề xuất những định hướng có tính chiến lược cho sự phát triển của Phân hội; quyết định các vấn đề đã được tập thể nhất trí thông qua.

2. Các Phó Chủ tịch trong đó có Phó Chủ tịch thường trực có trách nhiệm giúp Chủ tịch trong mọi mặt công tác theo sự phân công. Khi Chủ tịch vắng mặt, Phó Chủ tịch thường trực sẽ thay thế.

3. Tổng Thư ký của Phân hội chịu trách nhiệm tổ chức triển khai các hoạt động của Phân hội theo chủ trương và kế hoạch đã được Ban Chấp hành thông qua; quản lý và điều hành các công việc thường xuyên của Phân hội; theo dõi tổng hợp tình hình hoạt động của Phân Hội, báo cáo định kỳ cho Chủ tịch và Ban Chấp hành Phân hội .

4.  Giúp việc cho Tổng Thư ký là Phó Tổng thư kí. Ban Thư ký do Tổng Thư ký đề cử, trình Ban Chấp hành thông qua.

5. Khi khuyết Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hoặc Ủy viên Thường vụ, thì Ban Chấp hành lựa chọn trong số ủy viên Ban Chấp hành và cử bổ sung.

Điều 17.  Ban Kiểm tra

Ban Kiểm tra do Đại Hội bầu trực tiếp. Ban Kiểm tra có các quyền hạn và nhiệm vụ:

1. Kiểm tra và báo cáo Ban Thường vụ việc chấp hành Điều lệ Phân hội của các tổ chức và cá nhân thuộc Phân hội.

2. Kiểm tra và báo cáo Ban Thường vụ việc chấp hành luật pháp đối với các hoạt động thuộc Phân hội.

3. Xem xét và báo cáo Ban Thường vụ giải quyết các đơn khiếu tố.

 

CHƯƠNG V

TÀI CHÍNH CỦA PHÂN HỘI

 

Điều 18.

Tài chính của Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam bao gồm:

1. Phân hội phí do các Hội viên đóng góp.

2. Kinh phí do Nhà nước và Hội Tim mạch Việt Nam hỗ trợ (nếu có).

3. Nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ và kinh tế của các đơn vị thuộc Phân hội (được thành lập theo đúng quy định của pháp luật) và/hoặc từ các hoạt động liên kết hợp pháp với các tổ chức kinh tế-xã hội.

4. Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước theo quy định của pháp luật.

Điều 19.

Tài chính của Phân hội được quản lý và sử dụng theo quy định của Ban Chấp hành Phân hội, phù hợp với chế độ quản lý tài chính của Nhà nước và pháp luật hiện hành.

 

CHƯƠNG VI

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 20.

Các Hội viên có nhiều đóng góp và thành tích trong công tác xây dựng và phát triển Phân Hội - được Phân hội khen thưởng hoặc đề xuất lên các cấp trên khen thưởng.

Điều 21.

Các Hội viên vi phạm điều lệ của Phân hội, hoặc có những hành vi làm tổn hại đến các hoạt động hoặc uy tín của Phân hội, thì tùy theo mức độ, có thể chịu các hình thức kỷ luật từ phê bình, cảnh cáo, đến khai trừ ra khỏi tổ chức của Phân hội.

Trong phạm vi hành nghề, trên tinh thần tự quản, những Hội viên có sai phạm về chuyên môn, về nghĩa vụ hoặc đạo đức nghề nghiệp… đều có thể được đưa ra Hội đồng kỷ luật của Phân hội để xem xét và xử lý.

Các trường hợp sai phạm nghiêm trọng có thể bị khai trừ khỏi Phân hội, thu hồi Thẻ Hội viên; đồng thời, Phân hội sẽ kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước về Y tế xem xét thu hồi giấy phép hành nghề.

 

CHƯƠNG VII

HIỆU LỰC CỦA ĐIỂU LỆ

Điều 22.

Bản Điều lệ này gồm 7 chương 22 điều, có hiệu lực kể từ ngày được Đại hội Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam thông qua và được Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam phê duyệt.

Chỉ có Đại hội Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam mới có quyền bổ sung, sửa đổi Điều lệ này với từ trên 2/3 số đại biểu có mặt tán thành và Chủ Tịch Hội Tim mạch Việt Nam phê duyệt mới có giá trị thi hành. 

 

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 9 tháng 01 năm 2023

Trưởng Ban soạn thảo

 

 

 

 

Chủ tịch Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam.

 

Chia sẻ trên: